-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Sâm Ngọc Linh
Tue,22/11/2022
Sâm Ngọc Linh
( Rhizoma et Radix Panacis vietnamensis)
I. Giới thiệu sơ bộ
Sâm Ngọc Linh (tên khoa học: Rhizoma et Radix Panacis vietnamensis) là thân và rễ đã phơi hay sấy khô của cây Sâm Việt Nam (Panax Vietnamernis Ha et Crush V.), họ Nhân sâm (Araliaceae) [2].
Tên khác: Sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (K5), củ Trúc...
Tên khoa học: Panax Vietnamernis Ha et Crush V, họ Nhân sâm (Araliaceae)[2].
Phân bố:
Mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông - Kon Tum, Huyện Nam Trà My - Quảng Nam.
Sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc - huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am - Quảng Nam, theo những kết quả điều tra mới nhất.
Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn [1].
Mô tả:
Thân rễ thường nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, ít khi có hình trụ thẳng, dài 3cm đến 15cm, đường kính 0,5cm đến 1,5cm. Mặt ngoài màu nâu hay màu vàng xám, có hững vết vân ngang nổi rõ chia thành rễ thành nhiều đốt, đặc biệt có nhiều sẹo do thân khí sinh hàng năm tàn lụi để lại. Mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị đắng, hơi ngọt.
Rễ củ có dạng hình con quay dài 2,4cm đến 6,5cm, đường kính 1,5cm đến 2cm, đôi khi có rễ trụ dài. Rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và nốt các rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy, vị đắng, hơi ngọt [2].
II. Thành phần
Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt cán bộ Viện Dược liệu thì về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh hiện nay (2007) đã phân lập được 52 saponin trong đó 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật [1].
Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Đã xác định được trong sâm Ngọc Linh 17 axít amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1% [1].
Năm 1994, Nguyễn Minh Đức còn chứng minh sâm Việt Nam có hàm lượng saponin dammaran cao nhất (12-15%) so với các loại sâm khác chỉ chứa 10% [3].
Theo Dược điển Việt Nam V Sâm Việt nam phải chứa:
- Ginsenosid-Rb1 (C54H97O23) 0,5 %
- Ginsensosid-Rd (C48H82O19 ) 0,5 %
- Ginsenosid-Rg¹ (C42H72014) 1,5 %
- Majonosid-R2 (C41H70O14) 0,4 % tính theo dược liệu khô kiệt [2].
III. tác dụng đối với sức khỏe:
Theo tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, Phó viện trưởng Viện Dược liệu Việt Nam, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. [1].
Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp [1].
Ngoài những tác dụng như tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt nói trên, theo dược sĩ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có những tính năng tuyệt hảo như tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. [1].
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxi hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường [1].
Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh không gây tăng huyết áp như sâm Triều Tiên [3].
1. Hoạt tính ngăn ngừa ung thư của Majornoside-R2
Saponin loại ocotillol, majornoside-R2 (MR2), thu được từ thân rễ và rễ của Panax vietnamensis (nhân sâm Việt Nam) như một thành phần có hoạt tính. MR2 thể hiện hoạt tính chống khối u mạnh mẽ trong thử nghiệm sinh ung thư hai giai đoạn của khối u gan chuột bằng cách sử dụng N-nitrosodiethylamine (DEN) như một chất khơi mào và phenobarbital (PB) như một chất thúc đẩy [4].
Hơn nữa, MR2 cho thấy tác dụng ức chế đáng kể đối với thử nghiệm sinh ung thư hai giai đoạn của da chuột được gây ra bởi chất cho nitric oxide (NO) / 12-O-tetradecanoylphorbol-13-acetate (TPA) hoặc peroxynitrite / TPA [4].
2. Đối với hệ thần kinh
Những nghiên cứu và dữ liệu chứng minh cho các ảnh hưởng của sâm Ngọc Linh lên hệ thần kinh:
Tài liệu ghi nhận, sử dụng dược liệu liều thấp (10 – 100 mg/kg) có thể kích thích thần kinh, cải thiện các vận động thể lực và trí lực rõ rệt, điều hòa não bộ khi bị rối loạn phản xạ… Ngược lại, liều cao (0.5 – 2 g/kg) sẽ thể hiện quá trình ức chế thần kinh trung ương [7].
Vị thuốc có khả năng chống trầm cảm với liều uống 200 mg/kg/lần hoặc 50 – 100 mg/kg/ngày ở chuột nhắt trắng.
Majonoside–R2 có trong thảo dược giúp phục hồi các rối loạn chức năng do stress gây ra như viêm dạ dày, giảm khả năng miễn dịch, mất ngủ…[7].
Tác dụng chống trầm cảm của Majornoside-R2 . Majonoside-R2 (MR2), saponin loại ocotillol, là thành phần saponin chủ yếu của nhân sâm Việt Nam. Nghiên cứu tác động của MR2 đối với những thay đổi hành vi và sinh lý bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra như căng thẳng tâm lý do mô hình hộp giao tiếp gây ra, căng thẳng sợ hãi có điều kiện và căng thẳng cô lập xã hội ở động vật thí nghiệm và làm sáng tỏ các cơ chế tế bào thần kinh có thể có hành động của hợp chất này [6].
MR2 làm giảm căng thẳng CBP và chống lại cảm giác sợ hãi do căng thẳng gây ra có điều kiện, có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương dạ dày do căng thẳng CBP gây ra và phục hồi hoạt động thôi miên của pentobarbital bị giảm bởi căng thẳng CBP hoặc căng thẳng cô lập xã hội đến mức của các đối tượng kiểm soát không bị căng thẳng. Tích lũy bằng chứng cho thấy rõ ràng sự tham gia của opioid trung ương, cơ chế thụ thể GABAA và yếu tố giải phóng corticotropin trong tác dụng của MR2 [6].
3.Tăng cường sinh lực
Hiện nay, nhiều bằng chứng mới về tiềm năng của sâm Ngọc Linh đối với sức đề kháng ở người:
Với liều (5 – 100 mg/kg) được ghi nhận có cơ chế tác động tương tự như sâm Triều Tiên. Nghĩa là làm gia tăng khả năng dùng chất nền lipid năng lượng cao, đồng thời hạn chế dùng nguồn hydratcacbo [7].
Trong thí nghiệm ở chuột, dược liệu làm tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, hồi phục năng lượng và sức lực [7].
4. Hồi phục máu và sinh lý
Trong thực nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu ở động vật, sâm Ngọc Linh thể hiện khả năng làm phục hồi đáng kể số lượng tế bào máu đã giảm [7].
Ngoài ra, dược liệu này còn hỗ trợ tăng cường nội tiết tố sinh dục. Điều này thể hiện rõ ở đối tượng suy nhược sinh dục, giảm ham muốn, thông qua việc kích thích hoạt động này của não bộ [7].
5. Kháng khuẩn và chống viêm
Tác dụng chống viêm của vina-ginsenoside R2 và Majornoside R2 [5].
Nhiều ý kiến đồng tình về khả năng chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn, đặc biệt ở vùng hầu họng do chủng Streptococcus gây ra. Hơn thế, sâm Ngọc Linh còn có tác động hiệp lực với một số kháng sinh thông dụng như Erythromycin, Ampicillin, Tetracyclin, Bactrim… Đồng thời không gây ảnh hưởng lên hệ lợi khuẩn ở ruột [7].
6. Tác động ở những hệ cơ quan khác
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, sâm Ngọc Linh còn mang lại lợi ích phong phú ở nhiều hệ cơ qua khác. Chẳng hạn như:
Điều hòa hoạt động hệ thống tim mạch, hỗ trợ điều trị bệnh lý hạ huyết áp. Với liều 50 – 500 mg/kg, dược liệu thể hiện tác động ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Theo cơ chế giảm cholesterol huyết, giảm lipid toàn phần và lipoprotein, tăng hàm lượng HDL [7].
Với tế bào gan, chiết xuất từ sâm có thể bảo vệ chúng trước những yếu tố gây hại [7].
Với hệ hô hấp, các hoạt chất trong sâm hỗ trợ thông suốt đường thở. Kết hợp với khả năng làm loãng đờm trong các bệnh lý phế quản và phổi cũng như ngăn chặn sự tái phát của các cơn hen [7].
Bước đầu, loại sâm này được chứng minh trên thực nghiệm về khả năng hạ đường huyết của với liều 50 mg/kg. Ngoài ra, nó còn được nhận xét có tác dụng hiệp lực đối với thuốc điều trị đái tháo đường [7].
IV. Cách phân biệt sâm Ngọc Linh
1. Dựa vào hình thái bên ngoài
Hiện nay trên thị trường có các loại củ giả Sâm Ngọc Linh. Các loại củ này có hình dạng bề ngoài khá giống với Sâm Ngọc Linh, nên rất dễ gây nhầm lẫn:
- Tam thất hoang - là loại Sâm Ngọc Linh giả được nhái nhiều nhất. Trên thị trường hầu hết là loại này bởi hình dáng và kích thước bề ngoài gần giống với Sâm Ngọc Linh thật.
- Một loại sâm nằm ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi nhân sâm cũng được dùng làm Sâm Ngọc Linh giả.
- Loại thứ 3 thường được làm từ củ ráy. Loại củ này mọc nhiều trên các vùng núi Tây Nguyên và có giá thành cực kỳ rẻ.
- Cũng có rất nhiều người mua và dùng phải “xác” sâm thật. Nhìn bề ngoài thì đúng là Sâm Ngọc Linh, nhưng thực chất chỉ còn là cái xác dược liệu, còn các dưỡng chất đã được rút hết. Xác sâm nhẹ hơn so với sâm thật nên người bán thường ngâm xác sâm vào dung dịch tinh dầu để làm tăng trọng lượng.
- Ngoài ra còn có một số củ như củ Bảy lá, Hoàng tinh… cũng được dùng để làm giả Sâm Ngọc Linh.
Củ Tam thất hoang được sử dụng để làm giả Sâm Ngọc Linh nhiều nhất. Để phân biệt Sâm Ngọc Linh giả và thật, chúng ta có thể dựa trên những đặc điểm sau:
Đặc điểm |
Sâm Ngọc Linh |
Tam thất hoang |
Hình thái |
Thân rễ thường nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, ít khi có hình trụ thẳng. Mặt ngoài màu nâu hay màu vàng xám, có những vết nhăn dọc, mảnh; những vết vân ngang nổi rõ chia thành rễ thành nhiều đốt, đặc biệt có nhiều sẹo, các vết sẹo thường tạo thành vòng quanh thân. |
Củ dài rất nhiều mắt, dài loằng ngoằng. Củ tam thất không có củ gốc, hoặc có nhưng rất nhỏ và ít rễ |
Mùi vị |
Có mùi thơm dịu của sâm. Khi nếm thử ban đầu sẽ có vị đắng, sau đó vị ngọt thanh đặc trưng của sâm. Lát sâm Ngọc Linh không bị dai và ít xơ. |
Không có mùi thơm của sâm, vị đắng khó nuốt. Lát tam thất hoang khi nhai bị cứng và xơ |
Thể chất |
Thể chất cứng chắc, giòn, dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm, màu xám nhạt. Rễ củ có dạng hình con quay dài, rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và nốt các rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy.
|
Lõi tam thất hoang có màu vàng hoặc xám ghi.
|
* Có thể dựa vào các đặc điểm sau để phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả:
Đặc điểm |
Sâm Ngọc Linh thật |
Sâm Ngọc Linh giả mạo |
Bề mặt vỏ |
Xù xì, thô ráp |
Bóng mượt, ít sần sùi, thường không có điểm thắt |
Cấu tạo rễ |
Rễ chùm phân bổ dọc theo thân, rễ chính và rễ phụ đều bám và phát triển từ các đốt |
Thân trơn hơn, mặc dù phát triển dạng đốt khúc nhưng rất ít sợi rễ |
Cấu trúc mắt |
Đốt mắt sần, có nhiều rễ bám, có u cục ở rễ. Khoảng cách mắt ko đều, nằm so le. Mỗi năm phát triển một đốt |
Có thể phát triển nhiều mắt một năm. Đốt không so le, cách mắt đều. |
Trọng lượng |
Cầm chắc tay, nhìn củ bé nhưng khi cân rất nặng |
Khi cầm cảm giác xốp như cầm khúc gỗ. Nhìn to nhưng trọng lượng nhẹ. |
Mùi vị |
Vị đắng ngắt, sau đó ngọt thanh, thơm giòn, không hoặc ít xơ. |
Khi ăn cảm giác sồn sột, dai, vị ngía, rát cổ |
2. Dựa vào phân tích kiểm nghiệm
Dược điển Việt Nam V quy định Dược liệu phải có phản ứng định tính của ginsenosid-Rg¹, ginsenosid-Rb¹, majonosid-R² bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Phải chứa không dưới 0,5% ginsenosid-Rb1 (C54H97O23), 0,5% ginsensosid-Rd (C48H82O19), 1,5% ginsenosid-Rg¹ (C42H72O14) và 0,4% majonosid-R2 (C41H70O14), tính theo dược liệu khô kiệt bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.
Như vậy về hoạt chất thì Sâm Ngọc Linh thật phải có đầy đủ các hoạt chất như trên. Tuy nhiên Tam thất hoang cũng có các hoạt chất đó nhưng hàm lượng chỉ bằng 60% so với sâm thật. Do vậy khó phân biệt được Tam thất hoang với Sâm Ngọc Linh chưa đủ tuổi khai thác (hàm lượng hoạt chất chưa đạt yêu cầu theo Dược điển Việt Nam V). Vì thế kết quả này cực kỳ không rõ ràng có chính xác là Sâm Ngọc linh hay không.
Hiện nay có các cách để xác định đó có phải là Sâm Ngọc Linh hay không được thực hiện tại các Phòng thử nghiệm có khả năng làm được các phương pháp sau:
+ Xác định mã vạch DNA: Là phương pháp định loại phân tử một số mẫu sâm thuộc chi nhân sâm. Tuy nhiên có loại giả lại có DNA giống với Sâm Ngọc Linh đến 97%.
+ Phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân (NMR): Hiện nay phổ cộng hưởng từ hạt nhân đã và đang được ứng dụng rộng rãi để nghiên cứu các chất chuyển hóa sơ cấp và thứ cấp trong dịch chiết toàn phần của Sâm Ngọc Linh bởi tính đơn giản, ổn định có độ lặp lại chính xác cao của phép thử. Xây dựng bộ phổ NRM, có thể dùng để phân biệt được Sâm Ngọc Linh thật và giả một cách chính xác nhất.
V. Cách dùng, kiêng kỵ
1. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 g đến 10 g, dạng thuốc sắc, tán bột [2].
2. Kiêng kỵ
Thể tạng hư hàn, phải chích gừng. Không dùng chung với Lê Lô [2].