-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những vùng đất trồng cà phê nổi tiếng ở Việt Nam
Wed,30/10/2019
Cà phê đã theo chân các giáo sĩ Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có lượng cà phê xuất khẩu cao nhất thế giới.
Để đạt được những điều đó, hẳn phải có sự dung hòa giữa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mà trong đó địa lợi là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định, thúc đẩy cà phê Việt có những bước tiến nhảy vọt.
Khi nhắc đến những vùng đất trồng cà phê ở nước ta, trước hết phải kể đến các tỉnh Tây nguyên với các vùng trồng cà phê nổi tiếng như Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành (Lâm Đồng) và đặc biệt Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới.
Dải đất Tây nguyên này hay còn gọi là Cao nguyên trung phần, may mắn được tạo hóa ban cho đất đỏ bazan trù phú (2 triệu hécta, chiếm 60% đất bazan cả nước), có tính chất cơ lý tốt, khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao, kết cấu viên cục độ xốp bình quân 62-65%... Bên cạnh đó, các cao nguyên này lại có độ cao khoảng 500 - 600 m so với mực nước biển cùng khí hậu mát mẻ, mưa nhiều nên rất thích hợp với loại cà phê Robusta và một số loại cây công nghiệp khác.
Buôn Ma Thuột là vùng đất có cà phê khá sớm ở Việt Nam. Trước đó, người Pháp đã khảo sát rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao, tầng phù sa cổ…mới chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Robusta, lấy Buôn Ma Thuột làm tâm trong vòng bán kính 10 km trồng cà phê Robusta đều cho ra thể chất tốt, như Ea Kao, Etam, Tân Lập, Tân Hòa, Tân An, Tân Lợi, Cư Ebut, và một số huyện khác: Cư Mgar, Krong Ana... Robusta vùng này là loại thích hợp nhất để tăng độ mạnh của cà phê Espresso (gốc Milano) nhưng với một tỷ lệ ít.
Vốn là một trong tám đô thị loại một trực thuộc tỉnh, lại là thành phố chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng cấp quốc gia nên Buôn Ma Thuột được nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng cùng nhiều mặt khác. Với sản lượng cà phê Robusta đứng đầu cả nước, góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam lên vị trí số 1 trên thế giới, và cung cấp một sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất và hương vị đặc trưng nhất nên Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ cà phê”.
Tuy cùng nằm trên dải đất Tây nguyên nhưng cà phê Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành của tỉnh Lâm Đồng lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica vốn được thế giới ưa chuộng. Ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ, những vùng đất này của Lâm Đồng là nơi chốn đắc địa, lý tưởng nhất cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra những hạt cà phê có chất lượng vào hàng ngon nhất nhì thế giới. Đặc biệt, cà phê Cầu Đất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó.
Khe Sanh (Quảng Trị) cũng là một vùng trồng nổi tiếng khác của giống cà phê Arabica và Catimor (cà phê mít), vốn có độ cao phù hợp và là vùng đồng bằng chịu những ngọn gió Lào hun đúc thổi từ hoang mạc Trung Á làm đồng khô cỏ cháy và con người gan góc kiên trì nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta còn có vùng cà phê Arabica Tây Bắc đã có lịch sử cả trăm năm, tuy cho những sản phẩm thấp hơn so với các tỉnh Tây nguyên, song cũng góp phần làm hương sắc cà phê Việt thêm phong phú và đa dạng.
Ngoài những vùng trồng cà phê tiêu biểu kể trên, Việt Nam cũng được biết đến với cà phê tại Đắk Mil của Đắk Nông, có tới 19.000 ha cà phê, chiếm tới 1/4 diện tích của huyện này và cung cấp sản lượng tới 42.930 tấn, chiếm 1/3 sản lượng cà phê so với toàn tỉnh. Nếu như cà phê Đắk Hà mang tới hương vị hoan hỉ, nồng nhiệt thì cà phê Đắk Mil chua thanh lại đem đến sự trầm tư, sâu sắc.
Gia Lai thì lại được biết đến với cà phê Chư Sê, một huyện nằm cách thành phố Pleiku 40 km về phía nam, với diện tích 12.000 ha, lại mang đến hương vị cà phê sục sôi, đầy chất lửa. Ngoài ra, tỉnh này còn có những vùng đất trồng cà phê khác với sản lượng và chất lượng khá tốt như Chư Pả, Ia Sao, An Khê…
Bình Nguyên
www.thanhnien.vn.