Lược sử ngành cà phê

Lược sử ngành cà phê
Wed,23/10/2019

 Theo truyền thuyết, sự xuất hiện của cà phê bắt đầu từ năm 600 cùng với sự phát hiện ra cà phê Chè. Câu chuyện huyền thoại của cà phê gắn liền với sự phát hiện tình cờ của một người chăn dê có tên là Kaldi khi ông đang chăn dê ở một vùng rừng núi thuộc địa phận nước Ê-thi-ô-pi-a ngày nay. Trong lúc Kaldi ngủ thiếp đi, đàn dê của ông bắt đầu tản mát quanh đó. Vài giờ sau, ông tỉnh dậy và vô cùng sợ hãi khi không thấy đàn dê của mình đâu nữa. Kaldi bắt đầu đi tìm và cuối cùng khi tìm thấy đàn dê, một cảnh tượng kỳ thú đập vào mắt ông. Những con dê lúc đó rất phấn khích và đang nhảy nhót trên những đôi chân sau. Kaldi tìm kiếm quanh đó và phát hiện đàn dê của mình đã ăn những quả màu đỏ trên một cây rất lạ. Kaldi cảm thấy lo lắng vì sợ rằng đàn dê sẽ bị ốm vì đã ăn những quả cây lạ.

 

 

 Kaldi đã phải tốn nhiều thời gian để lùa được đàn dê về chuồng và ông quyết định sẽ không kể lại những gì đã xảy ra cho bố mẹ biết. Ngày hôm sau, khi được thả ra ngoài, đàn dê của Kaldi lại tìm đến các bụi cây lạ hôm trước và bắt đầu ăn những quả màu đỏ. Kaldi chú ý quan sát và nhận thấy những quả cây lạ không ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn dê. Ông đánh liều ăn thử một vài quả và ngay lập tức, ông cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo.

 

Sau đó, Kaldi mang những quả cây lạ về nhà và kể lại câu chuyện cho bố mẹ nghe. Bố mẹ của Kaldi đã tặng một vài quả cho các thầy tu ở một tu viện gần đó. Các thầy tu rất vui bởi vì sau khi nhai những quả cây, họ cảm thấy vẫn tỉnh táo dù thời gian cầu nguyện kéo dài tới bao lâu. Các vị thầy tăng quyết định đem sấy khô những quả cây lạ để có thể mang chúng tới các tu viện ở xa. Ở đó, họ hòa nước với những quả cây đã được sấy khô để tạo thành một loại đồ uống mới.

 Sự hình thành và phát triển

 

 

Sau khi Kaldi khám phá ra những quả cây lạ có thể giúp tinh thần sảng khoái và tỉnh táo, câu chuyện của ông đã lan truyền rất nhanh sang khu vực Trung Đông. Những quả cà phê được chuyển từ nước Ê-thi-ô-pi-a đến khu vực bán đảo A-rập và được trồng trên một vùng đất thuộc địa phận nước Yê-men ngày nay. Ở Yê-men, người ta dùng vỏ quả cà phê để chế biến thành một loại chè. Cho tới khi xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta mới bắt đầu rang xay nhân cà phê và tạo ra loại cà phê như của chúng ta ngày nay.

Trong suốt thời gian đó, người A-rập luôn cố gắng giữ kín những bí mật về cây cà phê. Không ai được phép mang theo những quả hoặc nhân cà phê sống mà chỉ được phép vận chuyển loại cà phê đã được rang xay. Vào khoảng năm 1640, mặc dù cà phê rang xay đã xuất hiện nhiều ở nước Anh và Châu Âu nhưng chỉ có người A-rập mới biết chính xác loại hạt giống và hình dáng của cây cà phê.

Cho đến đầu năm 1700, người Hà Lan tìm cách lấy cắp một cây cà phê từ vùng đất Yê-men và từ đó cả thế giới bắt đầu biết đến cây cà phê. Người Hà Lan giới thiệu cây cà phê đó lần đầu tiên ở Java thuộc nước In-đô-nê-xi-a và sau đó cà phê đã lan rộng ra toàn thế giới.

Quán cà phê mọc lên rất nhanh ở khắp Châu Âu và trở thành những trung tâm trao đổi thông tin của tầng lớp trí thức. Vào những năm 1700, cà phê được đen tới Châu Mỹ do một đại úy bộ binh Pháp đã trồng và chăm sóc một cây cà phê nhỏ trong suốt chuyến hành trình dài vượt Đại Tây Dương. Cây cà phê này được trồng lại trên đất của đảo Ca-ri-bê thuộc quốc gia Mac-tin-nic, và đây chính là cây cà phê gốc đã sinh ra hơn 19 triệu cây con trên đảo trong vòng 50 năm. Xuất phát từ sự khởi đầu đơn giản như thế mà cây cà phê đã được trồng phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới thuộc Nam và Trung Mỹ.

Khi đó, Quốc hội Hoa kỳ quyết định phê chuẩn cà phê là một loại đồ uống quốc gia nhằm phản đối thuế suất quá cao đánh vào mặt hàng chè do Nhà vua Anh quốc ban hành thời bấy giờ.

 

Ngày nay, trồng và chế biến cà phê đã trở thành một ngành công nghiệp trên toàn cầu và tạo công ăn việc làm cho hơn 20 triệu người. Giá trị thương mại toàn cầu của cà phê chỉ đứng thứ hai sau dầu lửa.

 

Với lượng tiêu thụ ước tính hàng năm trên 400 tỷ cốc, cà phê được công nhận là đồ uống thông dụng và phổ biến nhất trên thế giới. Hiện nay cà phê được trồng ở hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới.

 

Loại cà phê thương mại được trồng phổ biến nhất là cà phê Vối (Coffea canephora) và cà phê Chè (Coffea arabica). Ở một số nước, người ta còn trồng cả cà phê Mít (Coffea exelsa) nhưng nhu cầu thị trường đối với loại cà phê này còn tương đối thấp.

Cây cà phê Chè thuộc giống Catimor. Nó còn được gọi là loại giống lùn. Catimor là loại giống được lai tạo giữa Hybrido de Timor và Caturra. Giống này được tạo ra trông những năm 80. Một cây thuộc giống Catimor có thể cao đến 2,5 mét. Nhân của cà phê Catimor cho chất lượng nước kém hơn so với các giống cà phê Chè khác bởi vì có độ a-xít và hương vị thấp hơn (2 đặc tính quan trọng quyết định chất lượng và mùi vị).

Lá của cà phê Vối thường lớn hơn so với lá của cà phê Chè và cây có thể cho quả trong thời gian dài hơn. Quả và nhân của cà phê Vối thì dễ dàng phân biệt với cà phê Chè vì có dáng tròn hơn. Cà phê Vối có thể cao 7 – 10 mét. Nhân cà phê Vối cho nước đắng hơn. Một số thị trường chuộng đặc tính này nhưng các thị trường khác thì không chuộng lắm. Vì vậy, cà phê Vối thường được pha trộn với cà phê Chè.

Lá của cà phê Mít lớn hơn và tròn hơn so với lá của cà phê Chè và cà phê Vối. Cà phê Mít có thể cao hơn 10 mét. Sản lượng của cà phê Mít tương đối thấp. Mùi vị của nhân cà phê Mít đắng và chua hơn. Việc thu hái cà phê Mít cũng khó khăn hơn do chiều cao của cây. Hơn nữa do sản lượng và chất lượng của giống này thấp nên diện tích canh tác hiện nay đang giảm dần.

Viết bình luận của bạn: